JV color JV color JV color
Thứ sáu, 27 Tháng 12 2024

bannertrencung

Hệ thống Vifotec

thuvienhinhanh dulieuvifotec link

 ooffice link lienhegopy

Video vifotec

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.
Title: Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ 14 năm 2018




Ảnh ngẫu nhiên từ thư viện

Bản đồ

Tìm kiếm thông tin

Quảng cáo

vnpt
evn1

Thống kê

Các thành viên : 2
Nội dung : 228
Liên kết web : 7
Số lần xem bài viết : 8046964

Đang trực tuyến

Hiện có 15 khách Trực tuyến
Home Hội thảo khoa học Hội thảo khoa học Hội thảo khoa học tại Đồ Sơn, Hải Phòng (23 - 25/7/2008)

Hội thảo khoa học tại Đồ Sơn, Hải Phòng (23 - 25/7/2008)

PDF.InEmail

Hội thảo khoa học "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" - Đồ Sơn, ngày 25 tháng 7 năm 2008

hoithaocongnghehaiphong

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành tổ chức thành công 13 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam trong suốt 13 năm qua, các công trình đoạt Giải thưởng đã và đang được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống. Hằng năm, Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Năm nay, Hội thảo được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng từ ngày 23 đến 25/7/2008.

Đến dự Hội thảo có Đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, PGS. TS. Hồ Uy Liêm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng; TS. Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Phó trưởng ban Tổ chức Giải thưởng; TS. Hoàng Văn Kể - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hải Phòng, GS. Hà Học Trạc - Chủ tịch HĐKH Quỹ VIFOTEC, TS. Lê Xuân Thảo - Phó chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng cùng hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các tập đoàn kinh tế, các tác giả đoạt giải và đại diện cơ quan ở trung ương, các địa phương trong cả nước và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền hình ở Trung ương và Thành phố Hải Phòng.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu thành tựu đã ứng dụng vào thực tiễn của các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2007 và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9; trao đổi kinh nghiệm về triển khai, áp dụng các công trình khoa học và công nghệ đoạt giải vào sản xuất và đời sống, đề xuất và kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ mới.

Tại Hội thảo lần này, Đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ là một hoạt động xã hội hóa khoa học công nghệ, Giải thưởng đã tạo ra sự đột phá trong các lĩnh vực trọng điểm, đã có các giải pháp công nghệ hữu hiệu tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Tại Hội thảo Đồng chí cũng thông báo kết quả của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa 10) đã thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị này Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, trong đó, lần đầu tiên, Đảng ta đã bàn để ban hành một Nghị quyết về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đồng thời, Đồng chí cũng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương cần coi việc tổ chức Giải thưởng này là công việc thường xuyên hàng năm để khuyến khích các cán bộ khoa học - công nghệ, các nhà sáng tạo trong cả nước phát huy cao tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh. Đồng chí đề nghị Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét đưa các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế vào nội dung của Giải thưởng.

Khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Hồ Uy Liêm nêu tóm tắt các hoạt động của Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, mục tiêu của Hội thảo và đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận về kinh nghiệm triển khai và kiến nghị chính sách hỗ trợ ứng dụng các kết quả của các công trình đoạt Giải thưởng.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về Khoa học và Công nghệ (Luật khoa học và công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao...), trong đó ưu tiên hỗ trợ các nghiên cứu khoa học được áp dụng trong thực tiễn; vấn đề về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Bộ đã hình thành Quỹ phát triển KHCN (năm 2008), và sẽ hình thành Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ Đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Trong bài phát biểu chào mừng của TS. Hoàng Văn Kể - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hải Phòng đánh giá cao những kết quả và những đóng góp của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam trong phát triển khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thành phố Hải Phòng nói riêng.

TS. Lê Xuân Thảo thay mặt Ban Tổ chức Giải thưởng - Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), cơ quan thường trực Giải thưởng và Hội thi đã đọc báo cáo tổng kết việc ứng dụng các công trình khoa học đoạt Giải thưởng và Hội thi vào sản xuất và đời sống, đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức, chấm Giải và Lễ trao Giải thưởng. Trong báo cáo đồng chí cũng nêu lên một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ vốn, bảo hộ quyền SHTT, khuyến khích sử dụng và lưu hành sản phẩm của các công trình đoạt giải.

Trong hai ngày Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các tác giả đoạt giải, các nhà quản lý ở trung ương và địa phương, các đơn vị có các công trình tham dự Giải thưởng. Tại Hội thảo các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi và đề xuất nhiều kiến nghị về các vấn đề liên quan tới các cơ cấu chính sách, hoạt động KHCN nói chung và ứng dụng các công trình đoạt giải thưởng nói riêng.

Các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các công trình, giải pháp sáng tạo đang tiếp tục được mở rộng qui mô và phạm vi áp dụng, phục vụ thiết thực cho cuộc sống và có hiệu quả cao. Giải thưởng và Hội thi đã thu hút sự tham gia của không chỉ các nhà khoa học mà còn của mọi người dân, ở mọi lĩnh vực hoạt động và thực sự là "sân chơi" cho các nhà sáng tạo.

Về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ với nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn để khuyến khích việc ứng dụng nhanh, rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt các công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng; khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ; quảng bá các sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với công trình có phạm vi ứng dụng rộng, đã khẳng định kết quả có nơi áp dụng, có sử dụng ngân sách nhà nước, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan phối hợp với Liên hiệp hội Việt Nam và các địa phương tổ chức triển khai áp dụng.

Tăng cường công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và hướng dẫn, hỗ trợ các tác gi đoạt giải thưởng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học cần quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục nhân rộng kết quả, tiếp tục có công trình mới.

Các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện các băn bản hướng dẫn, thể chế hoá Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ để các của Nghị định này sớm được thực thi hiệu quả.

Tăng cường sự hợp tác giữa Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và các Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương trong tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp, truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ; Tăng cường phối hợp giữa Liên hiệp hội tỉnh/thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn lao động tỉnh và Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các địa phương để quảng bá, tuyên truyền và tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật ở các địa phương.

Liên hiệp hội Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể với Nhà nước để các công trình sáng tạo có giải thưởng, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có kết quả tốt được áp dụng nhanh vào cuộc sống mang lại hiệu quả kinh tế, không nên chờ các bộ, ngành đề xuất.

Thông tư hướng dẫn Nghị định 115 về khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa có nhiều thay đổi so với các qui định trước đây, chưa thực sự đổi mới và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ phối hợp sửa lại cơ chế khoán này và trình Thủ tướng trực tiếp ký ban hành qui định.

Hội thảo đã thông qua biên bản kiến nghị và kết thúc vào lúc 11h30 ngày 25/7/2008.