Thứ tư, 17 Tháng 5 2017 09:08
Tối 16/05/2017, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã diễn ra truyền hình trực tiếp Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO năm 2016. Đến dự lễ trao giải có các lãnh đạo Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Hà Nội, các tác giả đại diện cho các công trình đoạt giải và đông đảo các cơ quan truyền thông, báo chí.
Truyền hình trực tiếp Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam
Giải thưởng WIPO 2016
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Giải thưởng Vifotec đã có gần 2.400 công trình tham gia, 775 công trình đạt giải. Các công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn , các công trình tham gia đều nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống sản xuất và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC nhấn mạnh: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam là giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học công nghệ có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội. Đồng thời khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Các công trình đoạt giải trong những năm qua đã và đang áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu. Trong những năm tới, Quỹ VIFOTEC sẽ cùng các nhà khoa học, các nhà sáng tạo đưa phong trào sáng tạo KHCN trong cả nước đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả hơn nữa góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước...
GS.TSKH. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ ViIFOTEC, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng phát biểu khai mạc
Năm 2016, tham dự Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam có 11 tỉnh, thành phố, 1 bộ và 1 tập đoàn kinh tế với 95 công trình khoa học thuộc các lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình, trong đó có 4 giải nhất, 9 giải nhì, 15 giải ba, 17 giải khuyến khích.
Các công trình đạt giải nhất gồm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo” của tác giả Đoàn Ngọc Hiệp (Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199); “Nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng súng chống tăng SCT-9 (SGP-9) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp với môi trường Việt Nam” của tác giả Cù Đức Lam (Nhà máy Z125); “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn (Hà Nội); “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của TS Lê Văn Tri (Hà Nội).
GS.TSKH. Đặng Vũ Minh và ông Phan Xuân Dũng (Chủ nhiệm Uỷ ban KHCNMT của Quốc hội) trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải
Các công trình đoạt giải nhì, giải ba và giải khuyến khích là các công trình thuộc 6 lĩnh vực gồm cơ khí - tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xét và trao Bằng chứng chận, Huy chương Vàng cho 2 công trình xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và đời sống. Đó là công trình “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của tác giả Lê Văn Tri và các cộng sự Công ty CP Công nghệ sinh học và công trình “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và các cộng sự Công ty CP Công nghệ James Boat.
Lê Hồng